Cây Ngân hậu với màu lá xanh mướt có tác dụng thanh lọc không khí và trang trí không gian đẹp, tươi mới. Loài cây này cũng mang ý nghĩa phong thủy tốt đẹp nên rất được yêu thích và ưa chuộng.
Đặc điểm của cây ngân hậu
Cây ngân hậu còn có tên gọi khác là Minh Ty Rằn, tên khoa học Aglaonema marantifolium, thuộc họ Ráy, xuất xứ từ đảo Molucca và Philippines. Cây ngân hậu thường mọc theo bụi, chiều cao trung bình từ 20 – 40cm, tuy nhiên cũng có những cây có thể cao từ 70 – 80cm.
Lá ngân hậu màu xanh đậm, bề mặt lá có nhiều mảng đốm trắng đan xen kéo dài từ cuống đến ngọn lá. Lá thuôn dài 2 đầu, mặt bên dưới lá có gân xương cá nổi vô cùng bắt mắt.
Hoa ngân hậu mọc ra từ đỉnh ngọn cây, bên ngoài hoa được bao bọc bởi các mo trắng nhỏ. Từ hoa sẽ dần phát triển thành quả hình trái xoan, dài 1 -2cm. Mỗi quả có một hạt xếp sát nhau thành từng chùm và chung một cuống mập rất đẹp.
Vị trí đặt cây ngân hậu
Cây ngân hậu được dùng để bố trí nhiều vị trí khác nhau như bàn làm việc, văn phòng, bàn học, cửa sổ, phòng khách, ban công, nhà bếp… Bất cứ đặt ở vị trí nào cũng đem lại không khí tươi mới cho không gian.
Ý nghĩa phong thủy cây ngân hậu
Theo phong thủy, cây ngân hậu đúng như cái tên hoàng gia của mình, đại diện cho sự quyền quý, cao sang, đem lại thành công, may mắn cho chủ nhân. Đặt cây ngân hậu trong nhà, trong văn phòng làm việc có tác dụng xua đuổi tà khí và những điều xui xẻo, giúp gia đình bình yên và êm ấm, công việc thuận buồm xuôi gió.
Khi trồng ngân hậu, nên đặt cây ở vị trí có ánh sáng mặt trời để cây quang hợp xanh tốt. Lá càng xanh, càng to và mơn mởn thì càng tỏa ra nhiều vượng khí, tài lộc.
Công dụng của cây ngân hậu
- Làm cảnh: Cây ngân hậu được ứng dụng rộng rãi nhất để làm cảnh, trang trí nhiều không gian khác nhau từ văn phòng đến nhà ở, cửa hàng, quán cà phê… Màu xanh của cây tạo mảng xanh cho không gian, mang đến môi trường sống và làm việc gần gũi với thiên nhiên trong lành.
- Lọc không khí: Theo nghiên cứu, cây ngân hậu ngoài việc nhả khí oxy, hấp thụ CO2 thì còn có khả năng hút nhiều khí độc trong không khí như benzen, khói bụi, xyten… Nồng độ ô nhiễm càng cao thì khả năng làm sạch không khí của cây ngân hậu càng tốt. Do đó bố trí chậu cây này sẽ giúp không gian trong lành, sạch, tốt cho hệ hô hấp của con người.
- Hấp thụ bức xạ từ thiết bị điện tử: Trồng cây ngân hậu tại văn phòng công ty hay nhà ở sẽ giúp hấp thụ bức xạ từ thiết bị điện tử như tivi, máy tính, wifi… giảm thiểu tác hại của sóng điện từ gây ra đối với sức khỏe con người.
- Thư giãn tinh thần: Những lúc căng thẳng, ngắm nhìn màu xanh của lá ngân hậu sẽ giúp giảm mỏi mắt, tinh thần thoải mái và đỡ mệt mỏi hơn.
Cách chăm sóc cây ngân hậu
Cây ngân hậu khi trồng trong phòng thì cần được tắm nắng 2 – 3 lần/tuần vào buổi sáng, mỗi lần 2 – 3 tiếng. Mỗi ngày nên tưới nước 1 lần để giúp đất trồng luôn ẩm. Trường hợp trồng ngân hậu thủy sinh thì nên thay nước 1 tuần/lần và nhỏ thêm dung dịch thủy sinh để cây phát triển tốt. Định kỳ 1 – 2 tháng nên bón phân cho cây/lần. Không đặt cây ở vị trí có gió mạnh hoặc nắng chói. Khi thấy có lá bị vàng thối thì cần cắt bỏ nhanh chóng rồi rửa sạch toàn bộ cây để tránh lây lan sang các vị trí khác.