Gỗ Veneer được cấu tạo bao gồm 2 bộ phận chính: Cốt gỗ công nghiệp và bề mặt Veneer. Bề mặt Veneer thực chất là gỗ tự nhiên được lạng mỏng, có vẻ đẹp giống y như gỗ tự nhiên, tùy từng loại gỗ khác nhau mà bề mặt Veneer có những đặc điểm khác nhau.
Dưới đây cùng điểm qua một số loại gỗ tự nhiên thường được dùng làm bề mặt veneer trong thiết kế nội thất gia đình, nội thất văn phòng:
1. Gỗ Tần Bì (Ash) – Tên Khoa Học: Franxinus spp
Mô tả chung: Dát gỗ màu từ nhạt đến gần như trắng, tâm gỗ có màu sắc đa dạng, từ nâu xám đến nâu nhạt hoặc vàng nhạt sọc nâu. Nhìn chung vân gỗ thẳng, to, mặt gỗ thô đều. Thứ hạng và trữ lượng tần bì có dát gỗ màu vàng nhạt và một số đặc tính khác tùy vào từng vùng trồng gỗ.
Đặc tính ứng dụng: Tần bì có khả năng chịu máy tốt, độ bám ốc, bám đinh và dính keo cao, dễ nhuộm màu và đánh bóng. Tần bì tương đối dễ làm khô. Gỗ ít bị biến dạng khi sấy.
Đặc tính vật lý: Tần bì có khả năng chịu lực tổng thể rất tốt và khả năng này tương ứng với trọng lượng của gỗ. Độ kháng va chạm của tần bì thuộc loại tuyệt vời, gỗ dễ uốn cong bằng hơi nước.
Độ bền: Tâm gỗ không có khả năng kháng sâu. Dát gỗ dễ bị các loại mọt gỗ thông thường tấn công. Tâm gỗ tương đối không thấm chất bảo quản nhưng dát gỗ có thể thấm chất này.
Công dụng chính: đồ gỗ, ván sàn, đồ gỗ chạm khắc và gờ trang trí nội thất cao cấp, cửa, tủ bếp, ván lát ốp, tay cầm của các loại dụng cụ, các dụng cụ thể thao, gỗ tiện…
2. Gỗ Sồi đỏ (Red Oak) – Tên Khoa Học : Quercus spp
Mô tả chung: Màu sắc, mặt gỗ, đặc tính và đặc điểm của gỗ Sồi đỏ có thể thay đổi tùy thuộc vào từng vùng trồng gỗ. Về cơ bản gỗ Sồi đỏ tương tự như gỗ Sồi trắng.
Dát gỗ từ màu trắng đến nâu nhạt, tâm gỗ màu nâu đỏ hồng. Gỗ có ít đốm hình nổi bật vì các tia gỗ nhỏ hơn. Đa số thớ gỗ thẳng, mặt gỗ thô.
Đặc tính ứng dụng: Gỗ chịu máy tốt, độ bám ốc và đinh tốt dù phải khoan trước khi đóng đinh và ốc. Gỗ có thể được nhuộm màu và đánh bóng để thành thành phẩm tốt. Gỗ khô chậm, có xu hướng nứt và cong vênh khi phơi khô. Độ co rút lớn và dễ bị biến dạng khi khô.
Đặc tính vật lý: Gỗ cứng và nặng, độ chịu lực uốn xoắn và độ trung bình, độ chịu lực nén cao. Dễ uốn cong bằng hơi nước.
Độ bền: Không có hoặc ít có khả năng kháng sâu ở tâm gỗ. Tương đối dễ xử lý bằng chất bảo quản.
Công dụng chính: Đồ gỗ, ván sàn, vật liệu kiến trúc nội thất, gỗ chạm và gờ trang trí nội thất, cửa, tủ bếp, ván lót, quan tài và hộp đựng nữ trang.
3. Gỗ Sồi trắng (White Oak) – Tên Khoa Học: Quercus spp
Mô tả chung: Gỗ sồi trắng có màu nâu trắng, dát gỗ màu nhạt, tâm gỗ từ nâu nhạt đến nâu sậm. Đa số Sồi trắng có vân gỗ thẳng to và dài, mặt gỗ từ trung bình đến thô với các tia gỗ dài hơn Sồi đỏ. Vì vậy, Sồi trắng có nhiều đốm hình hơn.
Đặc tính ứng dụng: Gỗ chịu máy tốt, độ bám dính và ốc vít tốt dù phải khoan gỗ trước khi đóng đinh và ốc. Vì gỗ phản ứng với sắt nên người thao tác nên dùng đinh mạ kẽm. Độ bám dính của gỗ thay đổi nhưng gỗ có thể được sơn màu và đánh bóng để trở thành thành phẩm tốt. Gỗ khô chậm nên người thao tác phải cẩn thận để tránh nguy cơ rạn nứt gỗ. Vì độ co rút lớn nên gỗ dễ bị biến dạng khi khô.
Đặc tính vật lý: Gỗ cứng và nặng, độ chịu lực uốn xoắn và lực nén trung bình, độ chắc thấp nhưng rất dễ uốn cong bằng hơi nước. Sồi trắng miền Nam lớn nhanh hơn và các vòng tuổi gỗ rộng, có khuynh hướng cứng và nặng hơn.
Độ bền: Tâm gỗ có khả năng kháng sâu, không bị các loại mọt gỗ thông thường và bọ sừng tấn công, gỗ tuyệt đối không thấm chất bảo quản, dát gỗ tương đối không thấm chất này.
Công dụng chính: Làm cửa cao cấp, ván sàn, tủ buffer, tủ bếp, gỗ chạm trổ, gờ trang trí, ván lót, tà vẹt đường sắt, cầu gỗ, ván đóng thùng, quan tài và hộp đựng nữ trang…
4. Gỗ Ốc Chó – Tên Khoa Học : Juglan nigra
Mô tả chung: Dát gỗ màu trắng kem, tâm gỗ màu từ nâu nhạt đến sôcola. Vân gỗ thẳng nhưng đôi khi uốn sóng hoặc cuộn xoáy tạo những đốm hình đẹp mắt.
Đặc tính ứng dụng: Gỗ chịu máy tốt, độ bám keo và ốc vít tốt. Gỗ giữ sơn và màu nhuộm rất tốt, có thể đánh bóng để trở thành thành phẩm tốt. Gỗ khô chậm nên người thao tác phải cận thận để tránh nguy cơ rạn nứt gỗ. Gỗ ổn định về kích thước.
Đặc tính vật lý: Gỗ rất cứng, độ chịu lực uốn xoắn và lực nén trung bình, độ chắc thấp nhưng rất dễ uốn cong bằng hơi nước.
Độ bền: Tâm gỗ có khả năng kháng sâu, là một trong những loại gỗ có độ bền cao ngay cả trong điều kiện dễ hư mục. Dát gỗ dễ bị các loại mọt tấn công.
Công dụng chính: Đồ gỗ, tủ, vật liệu kiến trúc nội thất, gỗ chạm cao cấp, cửa cái, ván sàn…
5. Gỗ Thích Cứng (Hard Maple) – Tên Khoa Học : Acer Saccharum
Mô tả chung: Dát gỗ màu trắng kem phớt nâu đỏ nhạt. Màu tâm gỗ thay đổi từ đỏ nhạt đến sậm. Lượng gỗ có tâm màu sậm hay nhạt thay đổi tùy theo vùng trồng gỗ. Cả dát và tâm gỗ đều có thể có các vết đốm. Mặt gỗ đẹp, khít, nhìn chung vân gỗ thẳng nhưng có thể dợn sóng, uốn xoắn và xuất hiện các mắt chết trên mặt gỗ.
Đặc tính ứng dụng: Gỗ khô chậm, độ co rút khi sấy khô lớn nên dễ bị biến dạng khi khô. Nên khoan gỗ trước khi đóng đinh và ốc vít. Gỗ chịu máy tốt, dễ tiện và độ dính keo khá, có thể nhuộm màu và đánh bóng để thành thành phẩm tốt.
Đặc tính vật lý: Gỗ cứng và nặng, độ chịu lực tốt, đặc biệt khả năng kháng ma sát và kháng mài mòn cao. Gỗ dễ uốn cong bằng hơi nước.
Độ bền: Tâm gỗ không có hoặc ít có khả năng kháng sâu. Dát gỗ dễ bị các loại mọt gỗ thông thường và bọ sừng tấn công. Tâm gỗ không thấm chất bảo quản nhưng dát gỗ có thể thấm chất này.
Công dụng chính: Ván sàn, đồ gỗ, ván lót, tủ bếp, mặt bếp và mặt bàn, gỗ chạm nội thất, cầu thang, thành cầu thang, gờ trang trí, cửa cái…
6. Gỗ Dương – Tên Khoa Học : Populus deltoides
Mô tả chung: Dát gỗ màu trắng, hài hòa với màu nâu nhạt của tâm gỗ. Tâm gỗ và dát gỗ ít có khác biệt. Vân gỗ thẳng, mặt gỗ đẹp đều.
Đặc tính ứng dụng: Gỗ dương không bị nứt khi đóng đinh, dễ cưa xẻ với bề mặt gỗ xù xì. Gỗ có độ co rút thấp hoặc vừa phải và ổn định về kích thước.
Đặc tính vật lý: Gỗ có khối lượng tương đối nhẹ. Gỗ mềm, sức chịu lực nén và lực xoắn yếu. Độ kháng va chạm thấp. Khi khô gỗ không mùi vị.
Độ bền: Tâm gỗ không có khả năng kháng sâu và đặc biệt không thấm chất bảo quản.
Công dụng chính: Các bộ phận cấu thành đồ gỗ (các mặt ngăn kéo), cửa cái, các đường gờ trang trí, khung ảnh, gỗ chạm nội thất, đồ chơi, dụng cụ nhà bếp, diêm quẹt. Các ứng dụng chuyên môn quan trọng gồm: ván nẹp nhà tắm hơi vì gỗ có khả năng dẫn nhiệt thấp, và đũa ăn.
7. Gỗ Giổi thơm
Tên thường gọi: Giổi thơm, Dầu Gió
Tên khoa học: Tsoongiodendron odorum Chun Nhóm: IV
Đặc điểm của cây: Cây gỗ to, thường màu xanh, cao 25 m hay hơn nữa, đường kính thân đến trên 1m. Lá đơn, mọc cách, hình bầu dục dài, dài 8 – 17 cm, rộng 3,5 – 7 cm; cuống lá dài 1,2 – 2,5 cm. Hoa mọc đơn độc ở nách lá, màu đỏ hay tím nhạt, thơm. 9 mảnh bao hoa, xếp 3 vòng, vòng ngoài to nhất, dài 17 – 20mm. Nhị nhiều. Lá noãn 10 – 12 noãn. Quả hình bầu dục, rủ xuống, dài 10 – 18 cm, nặng 0,5 – 0,7kg. Quả đại dính nhau, chứa 3 – 11 hạt màu đỏ.
Phân bố:
- Vùng Bắc Trung bộ: Quế Phong (Nghệ An); Quỳ Châu (Nghệ An)
- Vùng Đông Bắc: Bắc Sơn (Lạng Sơn); Quảng Ninh; Văn Bàn (Lào Cai)
- Vùng đồng bằng sông Hồng: Hà Nam; Ninh Bình
Giá trị: Gỗ thường màu xám vàng, thớ mịn, thơm, gỗ mềm.
8. Gỗ Chò Chỉ
Tên khoa học: Parashorea chinensis Wang Hsie
Tên thông dụng: Chò chỉ. Tên thông dụng khác: Mạy kho.
Đặc điểm của cây: Cây gỗ to, thân hình trụ thẳng, cao 45- 50 m, đường kính 0,8- 0,9 m, chiều cao dưới cành là hơn 30m. Tán thưa, gốc có bạnh nhỏ. Vỏ màu xám, nứt dọc nhẹ. Thịt vỏ vàng và hơi hồng, có nhựa và có mùi thơm nhẹ. Cành lớn thường bị vặn. Lá hình mác hay bầu dục, mặt dưới và trên lá có các gân có lông hình sao. Cụm hoa mọc ở đầu cành hay nách lá. Hoa nhỏ, có mùi thơm đặc biệt. Quả hình trứng, hạt 3- 4
Phân bố: Địa danh Việt Nam: Vùng Bắc Trung bộ: Hương Khê (Hà Tĩnh); Hương Sơn (Hà Tĩnh); Quan Hoá (Thanh Hoá); Quảng Bình; Quỳ Châu (Nghệ An) Vùng Đông Bắc: Chiêm Hoá (Tuyên Quang); Nà Hang (Tuyên Quang); Thanh Sơn (Phú Thọ). Địa danh quốc tế: Trung Quốc.
Giá trị: Gỗ chò chỉ vàng nhạt hay hơi hồng, rất bền, chịu nước, chịu chôn vùi, dùng làm cột nhà, để xây dựng và đóng đồ đạc. Dáng đẹp, có thể làm cây đường phố.
9. Gỗ căm xe
Tên thường gọi: Căm Xe
Tên khoa học: Xylia xylocarpa (Roxb) Taub. Xylia dolabriformis Benth.
Đặc điểm chung: Gỗ màu đỏ thẫm, hơi có vân sẫm nhạt xen kẽ, thớ mịn, gỗ nặng, bền, không mối mọt, chịu được mưa nắng, rất cứng.
10. Gỗ lim
Một trong bốn loại gỗ tứ thiết của Việt Nam. Thuộc họ Fabaceae, chi Erythrophleum, loài Erythrophleum fordii
Nhóm: 2A; thuộc nhóm gỗ quý hiếm
Tính chất: Gỗ lim là loài gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm; có khả năng chịu lực tốt. Vân gỗ dạng xoắn khá đẹp, nếu để lâu hay ngâm dưới bùn thì mặt gỗ có màu đen.
Công Dụng: Gỗ lim thường dùng làm cột, kèo, xà… và các bộ phận cấu trúc trong các công trình xây cất theo lối cổ. Gỗ lim còn được chuộng để làm các đồ gia dụng như giường, phản… Gỗ lim có đặc tính rất quý nữa là không bị cong vênh, nứt nẻ, biến dạng do thời tiết nên rất được ưa chuộng trong việc làm cửa, lát sàn nhà.
Cùng chuyên mục:
Bài mới cập nhật
Tủ tài liệu cánh lùa là gì? Mẫu tủ cánh lùa DKF đẹp 2022
Tủ tài liệu cánh lùa có thiết kế cánh tủ hiện đại giúp tiết kiệm...
Bề mặt gỗ Laminate là gì? Cấu tạo và ứng dụng?
Các công trình nội thất hiện đại, sang trọng hiện nay đều rất chuộng sử...
Nhôm đúc là gì? Đặc tính và ứng dụng của nhôm đúc?
Nhôm đúc là một loại chất liệu rắn chắc với khả năng chịu lực và...