Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

8a9b7c16c70cb459bfcfa9022478fdd9

Một ngôi nhà hợp phong thủy hay không phụ thuộc vào nguồn năng lượng tam hợp ở ba căn phòng chính đó là phòng khách, phòng tắm – vệ sinh và nhà bếp. Trong đó, phòng vệ sinh là nơi có tần suất sử dụng nhiều, và có ý nghĩa ghi nhận mức độ tiện nghi của không gian sống.

Dù có diện tích khá hạn chế, song phòng vệ sinh đòi hỏi sự phối hợp khéo léo, hợp lý trên nhiều yếu tố: công năng, thẩm mỹ, kỹ thuật. Vì thế, để có phòng vệ sinh tiện nghi, sử dụng tốt, tạo điều kiện để thu hút được nguồn khí vượng thì việc thiết kế và thi công cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản sau:

Vị trí phòng vệ sinh

Về mặt phong thủy, phòng vệ sinh là nơi chứa uế khí, vì vậy tránh đặt ở vị trí chính giữa nhà (trung cung). Phòng vệ sinh nên đặt về các góc hoặc nép một bên nhà. Với những mặt bằng đất méo, phòng vệ sinh nên đặt ở những chỗ lồi ra hay khuyết lõm để tạo sự vuông vức, cân bằng.

Về hướng, đặt theo nguyên tắc “tọa hung hướng cát” tức là đặt ở hướng xấu, nhìn về hướng tốt. Với nhà nhiều tầng, phòng vệ sinh tránh đặt trên các không gian quan trọng có yếu tố tâm linh như bếp, phòng thờ. Nếu tận dụng gầm cầu thang làm nhà vệ sinh thì chỉ nên là vệ sinh phụ.

Tốt nhất ở bên dưới phòng vệ sinh tầng trên cũng là một phòng vệ sinh hoặc các không gian phụ như nhà xe, kho chứa đồ. Các phòng vệ sinh thẳng nhau trên trục đứng còn thuận tiện cho việc thiết kế đường ống cấp thoát nước tiết kiệm, thẩm mỹ và thuận tiện cho việc bảo dưỡng, sửa chữa. Tránh một số lỗi cơ bản khi thiết kế phòng vệ sinh để đảm bảo kỹ thuật, tạo sự hợp lý khi sử dụng.

Trong trường hợp phòng ngủ có vệ sinh riêng, thì nên đặt ở phía gần cửa ra vào, gần tủ quần áo để tiện cho việc sử dụng. Phòng vệ sinh không nên ở đầu giường, cửa không nên chiếu vào vị trí giường ngủ. Đó là những vấn đề phong thủy kiêng kỵ đôi với nhà vệ sinh.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Phân khu chức năng

Một phòng vệ sinh có ba khu chức năng cơ bản, đó là rửa, xí và tắm. Có thể phân biệt làm hai khu: khu khô (rửa và xí) và khu ướt (tắm). Sự phân định không gian có thể chỉ là ước lệ của việc bố trí thiết bị, cũng có thể là những ngăn cách “mềm” bằng vách kính, rèm nhằm ngăn nước ở khu vực tắm không tràn sang khu vực khô.

Tùy vào mặt bằng cụ thể và lối tiếp cận vào phòng vệ sinh mà bố trí ba khu chức năng này phù hợp trên nguyên tắc nơi sử dụng nhiều nhất tiện về giao thông. Theo đó, với một vệ sinh tiêu chuẩn tối thiểu, thì khu vực chậu rửa ở gần cửa, tiếp theo là xí và sau cùng là tắm.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Trong trường hợp phòng vệ sinh vuông thì bố trí thiết bị ở 3 góc, góc còn lại là cửa, mỗi cạnh trung bình khoảng 2m. Việc phân khu chức năng hợp lý không những thuận tiện cho sinh hoạt mà còn thuận tiện cho việc thi công những hệ thống kỹ thuật của phòng vệ sinh.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Lựa chọn thiết bị vệ sinh

Như trên đã đề cập, thiết bị liên quan trực tiếp đến phân khu chức năng là rửa, xí và tắm. Bao gồm: chậu rửa, vòi chậu, bồn cầu, vòi sen tắm, bồn tắm, bồn sục, cabin tắm đứng, vách kính… Việc lựa chọn thiết bị dựa trên nhu cầu sử dụng, diện tích và hình dáng mặt bằng phòng, phong cách nội thất, khả năng kinh tế. Việc lựa chọn thiết bị cần thực hiện từ khâu thiết kế để có giải pháp kỹ thuật hợp lý.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Bên cạnh những thiết bị này thì còn nhóm thiết bị kỹ thật, phụ trợ như đường ống cấp-thoát, van, bình nước nóng, hệ thống đèn chiếu sáng. Chiếu sáng nên có hai hệ thống: một chiếu sáng chung và chiếu sáng gương (đèn rọi). Trong trường hợp có bồn tắm thì có thể lắp đặt một hệ thống chiếu sáng riêng cho bồn tắm.

Hệ thống kỹ thuật, chống thấm

Một phòng vệ sinh vận hành hoàn hảo, an toàn, bền vững là nhờ hệ thống này. Trong thiết kế nhà ở hiện đại, các đường ống nước coi như được chôn “chết” trong tường, sàn, nên phải sử dụng những loại ống tiêu chuẩn, lắp đặt chính xác, khoa học, chắc chắn. Tiết diện ống phải theo tiêu chuẩn và công suất thiết kế. Ống thoát phải đảm bảo độ dốc khi đi ngang, không dùng ống cấp lạnh cho đường nước nóng.

Các thiết bị liên quan đến điện phải đảm bảo an toàn tuyệt đối, dây dẫn không được hở, không được đi dây điện vào những khu vực ướt, dễ rò điện gây nguy hiểm. Bình nước nóng nhất thiết phải có dây nối đất, thiết bị ngắt an toàn (aptomat). Đèn chiếu sáng nên sử dụng loại có mặt kính chắn để tránh hơi nước bốc lên gây chập cháy và nguy hiểm cho người sử dụng.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Lắp aptomat phù hợp với công suất bình nóng lạnh giúp tiết kiệm điện, tự động ngắt mạch khi hệ thống điện có sự cố

Đặc điểm của khu vệ sinh là có nước, và hơi nước. Vì vậy việc chống thấm cũng rất quan trọng. Cần thực hiện chống thấm sàn và chân tường trước khi ốp lát, lưu ý những vị trí xung yếu như chân ống xuyên sàn, chân hộp kỹ thuật. Sàn phải đảm bảo độ dốc thoát nước về miệng ga và thấp hơn sàn chính ở vị trí cửa vào khoảng 1-2cm. Trong trường hợp không thể thấp hơn thì phải xây gờ hoặc dùng bậu đá để ngăn nước không tràn ra ngoài. Khu vực khô và khu vực ướt phải có ga thoát riêng biệt.

Đảm bảo độ thông thoáng

Phòng vệ sinh là nơi có nước, ẩm thấp, và “nặng mùi” nên rất cần thông thoáng. Lý tưởng nhất là có thể bố trí cửa sổ thông thoáng và lấy ánh sáng tự nhiên. Tuy nhiên, trong điều kiện nhà phố như hiện nay, thì việc có nhiều mặt thoáng là khá hiếm. Có thể thiết kế giếng trời, khe kỹ thuật để thông gió lên mái để cải thiện. Cửa sổ thông gió của phòng vệ sinh có thể đặt kế bên chậu rửa, sau lưng xí hoặc tường biên khu tắm.

Hướng dẫn thiết kế phòng vệ sinh khoa học và tiện lợi

Trong trường hợp không có thông thoáng tự nhiên, bắt buộc phải lắp đặt quạt thông gió, thông sang không gian khác, hoặc hút vào ống thông gió riêng rồi đưa lên mái hay ra khoảng không bên ngoài.

Kích thước tiêu chuẩn

Các hãng  sản xuất nghiên cứu và thiết kế thiết bị vệ sinh theo kích thước tiêu chuẩn trên cơ sở độ thuận tiện, an toàn trong sử dụng và cả tăng độ thẩm mỹ trong phòng vệ sinh.

Trần phòng vệ sinh cao tối thiểu 2,2m; chiều cao tới mặt chậu rửa 82-85cm; chiều cao “củ” vòi sen 75-80cm, chiều cao bát sen treo trên tường 170-175cm, chiều cao mắc áo 165-170cm, độ rộng cánh cửa vào khu tắm đứng là 60cm…

Một số thiết bị vệ sinh nhập khẩu có kích thước và quy cách lắp đặt hơi khác thường. Nếu sử dụng cần xem kỹ quy cách lắp đặt khi thi công từ phần thô để đặt ống cấp thoát cho chính xác. 

Vật liệu trang trí, hoàn thiện

Phòng vệ sinh thường nhỏ, vì vậy nên sử dụng gạch ốp tường màu sáng để tăng ánh sáng khuếch tán trong phòng, cho cảm giác rộng rãi. Gạch nền màu sẫm để cân bằng thị giác và không đọng bẩn. Có thể dùng tấm thảm cao su, thảm nhựa loại chống trơn trượt để trải trong phòng vệ sinh.

Nếu sử dụng trần thạch cao phải là tấm trần chịu nước, chịu ẩm. Hạn chế dùng vật liệu gỗ, nhất là trong khu ướt vì dễ hư hỏng. Các loại vật liệu có thể dùng trong vệ sinh là đá, gạch ceramic, kính, kim loại không gỉ (nhôm, inox), nhựa chất lượng cao. 

Phòng vệ sinh có ý nghĩa công năng rất lớn, vậy nên cần chú trọng vào công năng, đảm bảo sự tiện dụng, an toàn rồi mới tính đến chuyện thẩm mỹ hay trang trí. Và bản thân những thiết bị vệ sinh cũng đã là vật trang trí cơ bản, làm nên nét đẹp của phòng vệ sinh. Tất nhiên, cái đẹp tổng thể, sự hài hòa trong công năng và thẩm mỹ chính là do người thiết kế quyết định.

Những bài viết liên quan:

Vui lòng đánh giá nội dung
Bài mới cập nhật
Thi công phòng họp công ty Thái Minh

Phòng họp là một trong những không gian làm việc không thể thiếu của mỗi...

Thi công phòng giám đốc công ty Thái Minh

Dự án thi công nội thất phòng giám đốc tại công ty cổ phần Thái...

Tranh hoa sen hợp tuổi nào? Treo hướng nào tốt, tài lộc?

Tranh hoa sen mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, hạnh phúc, hợp với người...

Trả lời